Chim hoàng yến là loài chim quý hiếm, được rất nhiều người chơi chim yêu thích bởi chúng có ngoại hình đẹp và giọng hót rất hay. Chính vì thế, nên ai nuôi hoàng yến cũng đều muốn nhân giống loài chim này. Để quá trình nhân giống thành công thì kỹ thuật ghép đôi chim hoàng yến đóng vài trò vô cùng quan trọng. Hãy cùng Chimcanh.net tìm hiểu về kỹ thuật này nhé.
1. Kỹ thuật chọn giống chim hoàng yến bố mẹ
Để có được những con chim con khỏe mạnh và có nhiều đặc điểm tốt về bộ lông, giọng hót thì việc chọn chim bố mẹ tốt là một việc rất quan trọng. Nếu chọn được cặp trống mái tốt thì khi nhân giống bạn sẽ sở hữu những thế hệ chim con vô cùng chất lượng về sức khỏe lẫn hình thức bên ngoài.
1.1. Điều kiện để chọn chim hoàng yến bố mẹ
– Ưu tiên nhất là chim phải thuộc giống thuần chủng và có chất giọng hót hay
– Chim bố mẹ được chọn để ghép cặp phải có sức khỏe tốt, không bị dị tật
– Hình dáng bên ngoài của chim bố mẹ đẹp, lông mượt, màu sắc lông thu hút
– Nếu có thể, hãy chọn những cặp chim trống mái thuần chủng ở hai vùng miền khác nhau để ghép cặp. Mục đích là lai ra giống chim con đa dạng, phong phú, có đặc điểm lạ, nổi bật hơn.
1.2. Đặc điểm riêng khi chọn chim hoàng yến bố mẹ
– Chim trống: Nên chọn những chú chim siêng hót, hót hay, có kỹ thuật đấu tốt, chim già mùa (nếu trên 3 mùa thì càng tốt).
– Chim mái: Nên chọn những con bổi, chim càng tơ càng tốt (hoặc chim bổi thuần đã sinh sản một mùa ngoài tự nhiên).
Một vài lời khuyên từ những người nuôi chim sinh sản thì hãy chọn những giống chim bố mẹ thật hay, thật thuần, thật chuẩn. Như vậy, bạn sẽ sở hữu được những chú chim con hoàn hảo và ưng ý nhất.
Xem thêm: Chim hoàng yến là chim gì? Cách nuôi và chăm sóc chim hoàng yến
2. Kỹ thuật ghép đôi chim hoàng yến thành công 100%
Để quá trình nuôi chim hoàng yến sinh sản diễn ra suôn sẻ thì việc ghép cặp trống mái rất quan trọng. Có nhiều phương pháp ghép đôi cho chim hoàng yến như ghép một trống – hai mái hoặc ghép một trống – một mái.
Chim có thể ghép đôi sau khi chúng được 6-8 tháng tuổi và đã thay lông. Mùa sinh sản của loài chim này thường bắt đầu vào khoảng từ tháng 1-3 dương lịch. Dưới đây là 2 cách ghép đôi chim hoàng yến được nhiều người áp dụng nhất.
Cách 1: Bạn có thể cho nhiều cặp hoàng yến trống mái vào cùng một lồng, sau khoảng từ 2-3 tháng chúng sẽ dần quen, rồi ghép cặp, giao phối và tiến hành đẻ trứng. Cách này thường mất khá nhiều thời gian.
Cách 2: Bạn có thể lựa chọn từng cặp trống mái khác nhau. Cho hai con trống và mái ở hai lồng khác nhau, ngăn cách một chiếc màn hoặc bìa carton. Sau một thời gian nếu thấy con mái thường xuyên nhồng người lên để nghe chim trống hót, thì có nghĩa là chim mái đã chấp nhận chim trống. Bạn chỉ việc cho hai còn vào chung một lồng để chúng giao phối và sinh sản.
3. Lưu ý khi ghép đôi chim hoàng yến
– Nếu gặp trường hợp khi thả chung lồng mà chim trống không chịu mái (ngược lại) thì nên đổi bạn tình cho chim ngay lập tức. Tránh tình trạng chim cắn nhau đến chết.
– Trong quá trình ghép cặp tuyệt đối không được để cho chim trống đấu đá với những chim trống khác. Cần cách ly với tất cả các con chim trống sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của chim. Con trống trở nên hung dữ hơn, dễ dàng quay sang đánh chim mái trong lồng.
– Nên thường xuyên quan sát đôi chim trống mái để kịp đưa ra những giải pháp phù hợp khi gặp phải vấn đề không hay.
4. Những vấn đề hay gặp khi ghép đôi chim hoàng yến
4.1. Chim mái dửng dưng với chim trống khi ở chung
Nếu chim trống hót mà chim mái không thèm quan tâm chú ý nếu như cố tình ghép cặp với nhau chim mái sẽ đánh đuổi chim trống, hung hăng phá tổ. Lúc này người nuôi thay bằng con trống khác cho đến khi nào chim mái ưng thì thôi hoặc có thể chờ đến thời kỳ động đực của chim mái thì gặp chim trống nào có cũng dễ dàng chấp nhận ghép cặp hơn.
Lý do giải thích vì sao chim mái không chịu con chim trống được các nghệ nhân nuôi chim chia sẻ rằng: Tiếng hót của chim trống là lời tỏ tình thiết tha với chim mái. Nhưng không phải lời tỏ tình nào cũng giống như lời tỏ tình nào vì có con hót hay, hót dở. Chỉ có giọng hót du dương, luyến láy hợp với con chim mái thì mới được con mái chấp nhận nếu không sẽ bị đánh đuổi.
4.2. Hai con chim mái nhốt chung lỡ bắt cặp với nhau
Nếu như hai chim hoàng yến mái khi nhốt chung tập thể đã lỡ bắt cặp với nhau như vợ chồng lúc này người nuôi nên thận trọng trong việc tách ra. Cặp mái sống chung có một con đã rớt trứng thì hãy để nó ấp đủ 13 ngày. Sau khi tách chim mái kia ra hãy thả ngay một con chim trống khác vào lồng. Con mái bắt ra nuôi riêng để ghép cặp với con trống khác. Nhưng không dễ gì chim mái dễ dàng chấp nhận chim trống ghép cặp chung, hãy chờ đến kỳ động đực của chim mới dễ dàng ghép đôi được.
Cách khác bạn có thể thử đó là nhốt hai con chim mái ra lồng lớn, đặt hai ổ đẻ khác nhau cạnh nhau. Chim mái sẽ dành hai tổ và chịu ghép cặp chung một chim trống. Bởi chim trống đủ sức phối được với 2 chim mái trong một mùa sinh sản.
Trong việc ghép đôi cho chim yến hót thông thường chim trống thường dễ dãi, ghép cặp con mái nào cũng dễ dàng chỉ con mái mới khó tính. Chỉ khi nào chim mái đúng vào giai đoạn động đực thì chim mái mới dễ dàng chấp nhận chim trống.
Mặt khác chim mái chấp nhận chim trống khi chim trống có giọng hót đủ để gây cho chim mái sự thích thú cực độ thì chim mái mới chịu ghép cặp. Biểu hiện chim mái sẽ tỏ ra ngây ngô, ngờ nghệch, đứng xổm lên cần đậu lắng nghe tiếng hót chim trống, không bay nhảy.
Trên đây Chimcanh.net đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong cách ghép đôi chim hoàng yến đúng kỹ thuật thành công 100%. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm kiến thức để tự ghép cặp và nhân giống được những chú chim hoàng yến con khỏe đẹp. Chúc bạn thành công!